Thursday, January 30, 2014

CHÚC MỪNG NĂM MỚI







 
Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi 
Người thương gia lợi tức. Người công nhân ấm no 
Thoát ly đời gian lao nghèo khó. Á a a a... Nhấp chén đầy vơi 
Chúc người người vui. Á a a a... Muôn lòng xao xuyến duyên đời.
Rót thêm tràn đầy chén quan san. Chúc người binh sĩ lên đàng 
Chiến đấu công thành. Sáng cuộc đời lành 
Mừng người vì Nước quên thân mình. 

Kìa nơi xa xa có bà mẹ già. Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa.
Chúc bà một sớm quê hương Bước con về hòa nỗi yêu thương 
Á a a a ... Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính 
Á a a a ... Chúc mẹ hiền dứt u tình 
Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương. Xây tổ ấm trên cành yêu đương 
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ. Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới 
Bạn hỡi, vang lên. Lời ước thiêng liêng 
Chúc non sông hoà bình, hoà bình. Ngày máu xương thôi tuôn rơi 
Ngày ấy quê hương yên vui. Đợi anh về trong chén tình đầy vơi 
Nhấc cao ly này. Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do 
Nước non thanh bình. Muôn người hạnh phúc chan hoà 
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi. Hương thanh bình dâng phơi phới.

Phạm Đình Chương (Ca sĩ Hoài Bắc) sinh năm 1929 tại huyện Bạch Mai, tỉnh Sơn Tây, trong một gia đình mang huyết thống nghệ sĩ và có cuộc đời gắn bó cùng âm nhạc. Nói đến gia đình của Phạm Đình Chương, người ta sẽ nghĩ ngay đến Ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng thời bấy giờ bao gồm: Hoài Trung, Phạm Duy, Thái Hằng, Thái Thanh, Khánh Ngọc (vợ Phạm Đình Chương) và Phạm Đình Chương, linh hồn của Ban hợp ca Thăng Long.
Tuy xuất thân trong môi trường có đầy đủ điều kiện để được thụ huấn về âm nhạc, nhưng trên thực tế Phạm Đình Chương đã đến với âm nhạc từ những nỗ lực tự học hỏi tìm hiểu bằng chính tâm hồn nhạy cảm của mình. Hầu như những sáng tác của ông đều chất chứa những đặc tính: Phiêu lãng và chân tình, lãng mạn nhưng hiện thực và nhất là nét đằm thắm, trữ tình đầy tình yêu quê hương, con người và đất nước.
Năm 1951, ông cùng gia đình di cư vào miền Nam, chính thức trở lại hoạt động văn nghệ qua việc tái lập Ban hợp ca Thăng Long gồm bản thân ông, Hoài Trung cùng 2 chị em Thái Hằng và Thái Thanh. Trước đó nhóm nhạc này đã từng có những buổi trình diễn khi tham gia Ban văn nghệ quân đội Liên khu Bốn trong những ngày đầu tiên kháng chiến chống Pháp theo tiếng gọi của non sông
Nói đến Phạm Đình Chương, chúng ta cũng không thể không nói đến lối sáng tác thiên tài của ông, các nhạc phẩm phổ thơ luôn lưu lại nhiều nét kỷ niệm sâu đậm trong lòng giới ái mộ như: Đôi Mắt Người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Nửa Hồn Thương Đau, Đêm Màu Hồng, Dạ Tâm Khúc (thơ Thanh Tâm Tuyền), Màu Kỷ Niệm (thơ Nguyên Sa), Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội (thơ Hoàng Anh Tuấn), Người Đi Qua Đời Tôi (thơ Trần Dạ Từ), Cho Một Thành Phố Mất Tên (thơ Hoàng Ngọc Ẩn ), Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê) v.v...
Riêng "Hội Trùng Dương" của Phạm Đình Chương được diễn tấu bởi dàn hợp xướng và dựa trên bố cục của nền nhạc hòa âm bởi dàn nhạc giao hưởng nên càng được phân tích rõ nét qua những đoạn nói về đặc tính từng dòng song, từng khu vực địa lý một cách mạch lạc, thông suốt. Nhìn lại, "Hội Trùng Dương" chính là một tác phẩm kết tinh tâm huyết tài hoa của Phạm Đình Chương và là một cống hiến lớn cho dòng nhạc tình ca quê hương Việt Nam.
Sau 1975 Phạm Đình Chương tị nạn cộng sản và định cư tại Hoa Kỳ. Ông đã từ trần vào ngày 22 tháng 8 năm 1991 tại California, Hoa Kỳ.
Trong số các ca khúc của ông, Ly Rượu Mừng là bài được hát được nhiều người biết đến. Năm 1955, tại Sài Gòn, theo đề nghị của cụ Trần Văn Ân và nhà văn quá cố Nguyễn Đức Quỳnh, Phạm Đình Chương đã viết bản nhạc này và đã được đăng trên số Tết báo Đời Mới.
Hơn một nữa thế kỷ trôi qua, "Ly rượu mừng" vẫn có một sự sống diệu kỳ. Trong âm vang phơi phới và ấm áp của mùa xuân, bản nhạc như thôi thúc, cuốn hút chúng ta vào một ngày mai tươi sáng... 



Thư Xuân của Tổng Hội Sinh Viên