UẤT ỨC - BIỂN TA ƠI ! Phạm Thanh Nghiên
Tôi tên là Nguyễn Văn Tâm , tôi bị bắn trúng ngực, tôi bị bắn trúng tim
Tôi chết ngay lúc đóTôi chết mà không kịp hiểu vì sao
Tôi tên là Dũng
Chúng bắn trúng lưng
Tôi trượt chân ngã xuống biển
Máu tôi chảy suốt nửa giờ
Biển lạnh và tối
Tôi kiệt sức rồi chìm xuống
Tên tôi là Hồng
Tôi trúng đạn vào mắt trái
Trổ ra sau gáy
Con ngươi rớt ra ướt lầy nhầy trên bàn tay tôi bụm
Con ngươi thấy lửa loé ra từ nhiều họng súng
Tôi là Đinh Văn Đông
Tôi trúng đạn nhiều lần
Vào chân vào bụng vào ngực vào vai vào hàm
Ruột tôi đổ ra trên sàn tàu
Tôi thở thoi thóp rồi tôi la thét rồi tôi giãy giụa
Tôi chưa chết lúc đó
Tôi nghe tiếng sóng tiếng gió tiếng loa
Nhỏ dần
Rồi im bặt
Thưa mọi người tôi là Nguyễn Hữu Biên
Đạn chúng bắn xé nát cổ tôi
Đạn chúng bắn cắt đứt đầu tôi khỏi thân người
Nguyễn Xuân Trọng là tôi
Đầu tôi va vào bánh lái
Tôi níu lấy sợi thừng
Tôi thấy anh em mình bị tàn sát
Tôi thấy anh em mình la khóc và bị săn giết như những con vật
Máu của Đông bắn lên ướt mặt tôi
Máu nóng và tanh
Tôi không biết lúc nào tôi chết
Tôi tên Tùng
Nguyễn Văn Tùng
Chúng tấn công khi tôi đang ăn cơm
Chén cơm của tôi có cá khô, nước mắm, và rau
Chén cơm úp vào mặt tôi
Mắt tôi không thấy gì nữa
Tôi bị đạn cắt lưỡi
Tôi thấy óc mình nóng ướt dính bệt bên màng tang
Óc trộn lẫn với cơm
Còn tôi là Lê Văn Xuyên
Tôi là thuyền trưởng
Chúng tôi ở tỉnh Thanh Hóa
Chúng tôi treo cờ tổ quốc và tuân thủ mọi quy định của pháp luật
khi hoạt động ngoài khơi
Chúng tôi không phải là cướp biển
Chúng tôi bắt cá ngoài biển khơi
Kính thưa những người còn sống. Chúng tôi đã chết!
Bài thơ tưởng niệm 5 năm sau ngày Trung cộng tấn công và giết chết 9 ngư dân Hậu Lộc - Thanh Hóa, ngày 08/01/2005.
Uất ức – biển ta ơi!
Ghi chép của Phạm Thanh Nghiên
“…Lẽ ra, vụ việc này đã phải trở thành một sự kiện nghiêm trọng trong quan hệ quốc tế, cần phải làm sáng tỏ. Nhưng do chính quyền bưng bít thông tin, nên đã hơn ba năm trôi qua, hầu hết người dân vẫn không hay biết…”
Khởi hành lúc 8 giờ từ Hà Nội, đúng 12 giờ trưa, hai chúng tôi mới đến được Thanh Hoá. Cho đến hôm nay, tôi cũng khó lý giải tại sao một người vốn mắc bệnh “say xe” như tôi lại có thể ngồi lì trên ô-tô hơn 4 giờ đồng hồ như vậy. Phải rồi, đây không phải là một chuyến đi du lịch, một chuyến viếng thăm ai đó thông thường. Mà tôi đi tìm gặp người thân các nạn nhân bị sát hại trong chuyến ra khơi định mệnh ba năm về trước với ước muốn được chia sẻ…
Tháng 1 năm 2005, mười sáu con người cùng đi đánh cá trên một chiếc thuyền, tám người vĩnh viễn ra đi, tám người còn lại trở về với nỗi kinh hoàng tột độ. Thủ phạm gây ra tội ác, không ai khác là bọn Tàu tặc – kẻ mà chính quyền Việt Nam luôn luôn ca ngợi là người đồng chí tốt, người làng giềng tốt của nhân dân Việt Nam. Một chuyến đi đặc biệt và ý nghĩa như vậy có lẽ đã nâng đỡ tôi, xua đi nỗi mệt nhọc thường xuyên mà tôi hay bị khi thực hiện những chuyến đi xa.
Việc tìm kiếm không mấy dễ dàng. Chúng tôi chỉ được biết họ thuộc hai xã Hoằng Trường và Hoà Lộc. Sau khi ăn trưa tại một quán ven đường, con trai người chủ quán chở chúng tôi bằng xe tắc-xi đến xã Hoằng Trường với chặng đường ngót ba mươi cây số. Số tiền phải trả cho chuyến tắc-xi gấp gần ba lần số tiền đi từ Hà Nội về Thanh Hoá. Đến Hoằng Trường, hai người chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình bằng đôi chân trên con đường đất ghồ ghề gần 10km, tìm tới nhà của các ngư phủ bị nạn.
Càng đi sâu vào làng, cái nghèo của làng chài càng hiện rõ. Khác hẳn những hình dung trước kia của tôi về một phiên chợ tấp nập của miền quê biển. Ở đây, chợ chiều vắng ngắt, vài quán lá lụp xụp, hàng hoá nghèo nàn…
Khi chính quyền Trung Quốc liên tục lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam, giết hại ngư dân lương thiện của chúng ta đang đánh cá trong vịnh Bắc Bộ, hàng trăm thanh niên, sinh viên, văn nghệ sĩ trí thức trong nước đã biểu tình chống lại tội ác của chính quyền Trung Quốc, đồng thời ở bất cứ đâu trên thế giới này có người Việt Nam sinh sồng đều có những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, thì ở Việt Nam mọi thông tin đều bị Nhà Nước giữ kín. Vì thế chúng tôi thấy cần phải tìm ra những điều khuất lấp để cung cấp cho độc giả những sự thực mà báo chí trong nước cố tình bưng bít, bị cho là “nhạy cảm”. Cho tôi nói lời xin lỗi gia đình các nạn nhân, nếu sau khi gặp gỡ chúng tôi và kể ra sự thật mà bị chính quyền gây rắc rối. Tôi xin cảm ơn những người đã giúp đỡ chúng tôi trong thời gian chúng tôi tìm hiểu và muốn làm sáng tỏ sự kiện đau xót này. Thật ra, những việc làm này hết sức bình thường ở những đất nước có tự do thông tin, nhưng lại là điều cấm kỵ trong một thể chế thiếu tự do, dân chủ và đang nấp trong ống tay áo hung thủ.
*
Đầu tiên, chúng tôi dự định tìm gặp ông trưởng thôn, nhờ ông đưa đến nhà các nạn nhân. Nhưng nghĩ lại, trưởng thôn chẳng qua cũng là “cánh tay nối dài của đảng”, ít có xác suất được giúp đỡ, mà biết đâu lại bị gây khó dễ! Cuốc bộ chừng vài cây số, chúng tôi ghé vào quán của một bà lão bán quà vặt. Quán là mấy tấm liếp dựng tạm. Bàn là một tấm gỗ kê bằng gạch, bày bán đủ thứ lặt vặt: trái cây, bánh kẹo. Bà lão chủ quán tên là Thao, có mái tóc trắng như cước. Thấy chúng tôi loay hoay tìm ghế ngồi, bà lão ân cần: “Cô cậu kê tạm mấy viên gạch, lót giấy báo này mà ngồi!”. Biết chúng tôi ở xa đến, tìm gặp người nhà các nạn nhân bị tàu chiến Trung Quốc bắn chết, bị thương ba năm trước, mấy người phụ nữ ngồi gần đấy xúm đến. Họ kể về nỗi khổ của các nạn nhân, họ kể khổ cho chính cả họ. Bà Thao đứng lên, một lát sau bà trở lại với một cậu thanh niên còn rất trẻ: “Đây là cháu anh Lê Văn Xuyên, ngư dân bị tàu Trung Quốc bắn chết. Cậu này sẽ đưa hai cháu đi.”. Như là trách nhiệm của mình, bà còn ghi vào cuốn sổ tay của tôi “danh sách” những người bị nạn trên biển. Tự nhiên tôi ước ao, giá như ở cái làng chài này có những cán bộ biết thương xót cho đồng loại như bà Thao, chắc hẳn nỗi đau của gia đình các nạn nhân được vơi đi chút ít.
Chúng tôi đến nhà anh Lê Văn Xuyên gần 5 giờ chiều. Ngôi nhà tuềnh toàng như bao gia đình nông thôn Việt nam khác. Trùm lên căn nhà là không khí lạnh lẽo. Tôi thường sờ sợ khi bước chân vào gia đình có người chết trẻ. Lần này thì khác. Tôi không thấy sợ mà thay vào đó là nỗi đau xót, như họ là người thân của mình vậy. Chị Thanh, vợ anh Xuyên đưa tôi sang nhà thân nhân Nguyễn Văn Tòng. Rồi lần lượt các chị tiếp chân đưa chúng tôi đến từng gia đình một. Họ có chung một cảnh nghèo; một nỗi đau, Và chung một nỗi uất ức.
Chuyện ba năm trước:
“Thuyền ra biển được hai ngày thì gặp tầu chiến Trung Quốc. Họ rượt đuổi chúng tôi. Chúng tôi không hiểu tại sao họ rượt đuổi. Đây là ngư trường chúng tôi vẫn hành nghề từ bao năm nay. Trước đó, họ không bắn pháo hiệu hay có bất cứ tín hiệu gì cảnh cáo trước, càng không có bất cứ biểu hiện gì để chúng tôi tin là họ sẽ tấn công chúng tôi cả.”. Anh Nguyễn Văn Dũng, một trong tám người sống sót kể lại.
“Hôm đó là sáng ngày 8 tháng 1 năm 2005…”. Trương Đình Thái, kể lại với một tâm trạng vẫn còn kinh hãi: Chúng bắn vào các đồng nghiệp của em, sau đó xả hơi cay vào các nạn nhân. Tám người chết, còn em và chủ tầu bị thương. Khi tôi gặng hỏi để biết chi tiết hơn, Tháí không thể nói gì thêm: Hồi em được chúng thả về, Thi thoảng em la hét, ai hỏi em cũng nói không biết gì. Những tràng súng bắn quá gần và xác đồng nghiệp đổ vật xuống bong thuyền khiến em bị chết lâm sàng. Vết thương của em nặng, gia đình phải vay mượn tiền để mang em ra Hà Nội mổ lại. Bây giờ vẫn đau. Thật không dễ quên đi quá khứ kinh hoàng, không phải ai cũng đủ can đảm để kể lại. Còn đang bối rối thì đột nhiên Thái bất ngờ nói với tôi: “Chị ơi, họ làm sống em chị ạ”. Phút chốc tôi rùng mình. Nhìn gương mặt của Thái, tôi linh cảm cụm từ “làm sống” là thế nào.
Sau khi thực hiện tội ác, chúng trói những người còn sống lại và cho tám xác chết vào tám túi ni – lông. Anh Dũng kể thay cho Thái: “Lúc tàu Trung Quốc đuổi thì tôi cũng biết, nhưng đang ở dưới khoang thuyền. Khi tôi lên, cảnh tượng thật hãi hùng, người chết, người bị thương, người bị còng tay. Tôi là người cuối cùng bị còng”. Anh Dũng còn cho biết thêm: lên thuyền của các anh có bảy tên lính hải quân Trung Quốc cao lớn, tên nào tay cũng lăm lăm một khẩu súng. Buổi chiều, chúng đưa các anh về đảo Hải Nam, cho mỗi người một tô mì, sau đó nhốt mỗi người vào một buồng riêng biệt. Hai ngừơi bị thương thì chúng “làm sống”, tức là xử lý vết thương không dùng thuốc gây tê. Sau một vài phút để trấn tĩnh trở lại, Thái nói: “Chúng dùng dao khoét vào đùi em, lấy viên đạn ra; em bị bắn 2 phát, một phát vào đùi phải đau đớn vô cùng. Khi chúng khoét xong, cho em tô mì. Sáng hôm sau chúng lôi em đi lấy cung”.
Khoảng hai, ba hôm sau khi thuyền ngư dân Thanh Hoá bị tàu chiến Trung Quốc tấn công thì người của Bộ ngoại giao Việt Nam sang. Họ có hai người, không có nhà báo đi theo để đưa tin. Họ xin chính quyền Trung Quốc gặp các ngư dân Việt Nam đang bị giam giữ và khuyên: “Các anh cố gắng ở lại cải tạo cho tốt, đừng cãi lời người ta. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa các anh về trước tết”. Những ngư dân này không hiểu họ phạm tội gì, tại sao lại “ cố gắng cải tạo cho tốt” ?
Chúng tôi gặng hỏi các nhân chứng xem phía Trung Quốc đã tra hỏi những gì, nhưng các anh nói không thể nhớ hết được. Sự việc đã trôi đi ba năm, đọng lại những gì bây giờ chỉ là nỗi sợ hãi. Họ chỉ nhớ những buổi đi cung bị bức bách, căng thẳng. Một, hai ngày đầu chúng đưa ngư phủ ta đi cung một đến hai lần, mỗi lần chừng một tiếng. Nhưng hai, ba ngày sau (khi có người của Bộ ngoại giao Việt Nam), chúng gọi họ đi cung nhiều hơn. Mỗi ngày hai đến ba lần, mỗi lần hai, ba tiếng. Có một người dịch sang tiếng Việt. Khi kết thúc buổi cung các ngư phủ chúng ta đều phải ký vào một biên bản bằng chữ Tàu mà không ai biết nội dung là gì..Anh Dũng nói: “ Chúng tôi không thể không ký vì chúng đã ép cung, tôi chậm ký bị chúng đánh liền”.
Cho đến bây giờ không ai trong số còn sống được biết: tại sao thuyền đánh cá của họ bị tàu chiến Trung Quốc tấn công. “ Chúng tôi đơn thuần chỉ đi đánh cá trên vùng biển quê hương mình! Từ khi đảng và nhà nước cho vay vốn để đóng thuyền lớn, khuyến khích đánh cá xa bờ, chúng tôi đã khai thác ngư trường này từ chục năm trước, bây giờ cũng vậy. Những tranh chấp vùng nào đó trên biển Đông giữa hai nhà nước chúng tôi đâu được thông báo!”
Sau ba mươi mốt ngày, những người còn sống được về Việt Nam, tám người khác phải trở về trong tám bình tro.
Nỗi đau của những người thân
Khi chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Hữu Biên, một thanh niên mới đi biển lần đầu đã bị tàu chiến Trung Quốc bắn chết, đau đớn và căm phẫn vẫn hằn rõ trên gương mặt bà nội và mẹ của Biên. Bà Lê Thị Tăm đem tấm hình của con trai ra cho chúng tôi xem. Biên còn trẻ quá, mới hai mươi tuổi. Cái hồn oan này đang lẩn quất ở đâu? Là oan hồn thứ bao nhiêu của dân tộc nối tiếp những oan hồn “lên rừng tìm ngà voi xuống biển mò ngọc trai”, mà sử sách Việt Nam đã ghi từ nghìn năm trước? Bà nội của Biên đã ngoài tám mươi, run rẩy lê từng bước tiễn chúng tôi ra cửa: “Trung Quốc có bao giờ thôi nghĩ đến chuyện xâm lược nước ta đâu, có bao giờ ngừng giết người Việt Nam ta đâu”. Ôi! Một cụ già nhà quê ngoài tám mươi tuổi còn nhận biết ra được cái sự thật này, các vị lãnh đạo đảng và Nhà Nước chẳng lẽ lại không biết ư? Phúc hay là họa cho dân tộc chúng ta đây?
Giấy báo tử ngày 4.2.2005 báo về cho gia đình có xác nhận ngày chết cuả các nạn nhân là 8.1.2005 (tức là gần một tháng sau mới cớ giấy báo tử về nhà). Giấy báo tử được ký tên và đóng dấu bởi bà Lãnh sự Bùi Thị Tuyết Minh. Tuy nhiên, trong phần nguyên nhân chết thì để trống, trong khi sự thực các anh bị tàu Trung Quốc tấn công, bắn giết. Điều này đã được xác định, và chính quyền xã khi đến báo tin cho các gia đình cũng khẳng định.
Lẽ ra, vụ việc này đã phải trở thành một sự kiện nghiêm trọng trong quan hệ quốc tế, cần phải làm sáng tỏ. Nhưng do chính quyền bưng bít thông tin, nên đã hơn ba năm trôi qua, hầu hết người dân vẫn không hay biết.
Chúng tôi đến nhà anh Lê Xuân Trọng. Vợ anh đã qua đời trong một cơn bạo bệnh khi sinh bé Lê Thị Thuỳ Trang được tám tháng tuổi. Bé Trang được mười ba tháng tuổi thì anh Trọng bị cướp mất mạng sống. Nghe nhắc đến bố mẹ, bé Trang oà khóc. Tôi ôm nó vào lòng, nước mắt trào theo. Có thể, ngoài cảm nhận sự côi cút vô lý này, bé không thể hiểu điều gì vượt quá tầm của một đứa trẻ mới hơn bốn tuổi. Nỗi đau dồn hết vào lòng ông bà nội.
Sau khi anh Trọng bị bắn chết, ông bà nội cháu đề nghị chính quyền cho bé Trang được hưởng trợ cấp hàng tháng. Bắt đầu từ năm 2006, bé được hưởng trợ cấp hai trăm ngàn đồng mỗi tháng, (năm 2005 không được gì vì còn phải làm thủ tục). Cuối năm vừa rồi, ông trưởng thôn nói với ông bà Kính rằng, cần đề nghị “lên trên” để tăng tiền trợ cấp cho bé. Chưa kịp mừng thì đã… chưng hửng, số tiền bé Trang nhận được tháng đầu tiên năm 2008 đã bị cắt giảm xuống còn một trăm hai mươi ngàn đồng. Bà Kính than vãn: “Không hiếu sao lại thế. Đấy, chúng tôi vừa nhận một trăm hai mươi ngàn đó cô.” Ông Kính chua chát: “Không đủ tiền ăn sáng cho cháu cô chú ạ”. Ông bà mời chúng tôi ở lại dùng bữa tối và nghỉ qua đêm. Chúng tôi cảm ơn và từ chối vì đã nhận lời bà Thao. Ông Kính hẹn sáng hôm sau sẽ đưa chúng tôi sang Hoà Lộc, gặp những người còn lại. Quả thật, nếu không có cháu Tùng con anh Tòng dẫn đường, chúng tôi không biết xoay sở ra sao. Đồi núi, trời tối, đường vắng và thưa người qua lại. Chúng tôi lãnh nhận sự nguy hiểm đang đe doạ hai thanh niên trẻ muốn biết sự thật và mong có cơ hội nói lên sự thật ở một môi trường thông tin vì sự thật.
Sáng hôm sau, chúng tôi trở lại nhà ông Kính. Ông có chuyến đi biển gấp nên không thể thực hiện lời hẹn. Từ Hoằng Trường đến Hoà Lộc không có đường bộ, phải đi bằng đò. Ông đưa chúng tôi đến bến sông. Chủ đò nấn ná, chờ thêm khách cho đủ chuyến. Ông Kính thì thầm với chủ đò, chúng tôi được sang sông. Đây là bãi sông Hoằng Trường (còn có tên gọi khác là Lạch Trường).
Sang đến Hoà Lộc, hai chúng tôi lại tiếp tục cuốc bộ theo một hướng đạo già. Ông tên là Nguyễn Văn Nhiễm, ngoài sáu mươi tuổi, dáng người nhỏ nhắn và nhanh nhẹn. Ông là cán bộ Chi hội Nông dân thôn Hoà Phú, cũng là một đảng viên. Dám đấu tranh chống tiêu cực nên cũng bị… ghét. Trên đường đi, Ông nói: “các cháu làm thế là rất đúng. Tặng quà, giúp đỡ cho ai thì cứ trao tận tay họ. Đừng có qua chính quyền xã hay thôn làm gì, nhiêu khê, rườm rà. Mà có khi người dân chẳng nhận được gì”.
Trong số những gia đình chúng tôi đã gặp, hoàn cảnh của gia đình tử nạn Trần Nghiệp Hùng là quá éo le. Năm 2003, vợ anh chết đuối ngoài biển (phụ nữ cũng phải đi đánh cá). Năm 2005, anh Hùng bị hải quân Trung Quốc bắn chết. Một năm sau khi anh mất, hai đứa con anh là Trần Nghiệp Mạnh và Trần Thị Thúy đều phải vào trại trẻ mồ côi. Chị Quân (chị ruột nạn nhân Trần Nghiệp Hùng) buồn rầu tâm sự: “Chẳng ai muốn cháu mình phải vào trại trẻ mồ côi, nhưng vì khó khăn quá, ai cũng nghèo. Chồng tôi chết gần năm nay. Cô em gái tôi cũng phận goá bụa. Chú ấy cũng chết do tai nạn khi đi biển, bà cụ nhà tôi năm nay đã tám mươi hai tuổi, nay cụ ở với người con này, mai lại ở với người con khác. Bà cụ cũng tội, con trai, con dâu, con rể cứ bỏ cụ mà đi”.
Thỉnh thoảng, trên các phương tiện thông tin cũng phản ánh những tiêu cực trong việc cứu trợ người dân bị nạn: chuyện ăn chặn hàng cứu trợ, chuyện cứu đói bằng gạo mục…. Tôi còn nhớ trong một bản tin thời sự tối của Đài truyền hình Việt Nam có đưa một tin cười ra nước mắt: người ta cứu đói cho dân bằng… kem đánh răng và xà phòng thay vì một thứ gì ăn được. Các đoàn thể, cá nhân có hảo tâm đã không còn tin vào chính quyền. Họ không muốn lòng tốt của mình trở thành miếng mồi béo bở cho các ông quan to quan nhỏ. Vì thế, thay vì qua chính quyền, họ tự tay mang quà cho đồng bào. Như vòi bạch tuộc, rất dài, rất dai và rất giỏi, cánh tay ăn chặn vẫn vươn tới được.
Câu chuyện ông Nhiểm, chị Quân kể sau đây là một bằng chứng.
Đoàn từ thiện chùa Giác Minh, Tân Vạn – Biên Hoà lặn lội ra tận Thanh Hoá cứu trợ cho người dân sau trận bão lũ năm 2006. (Tiếc rằng ông Nhiễm không nhớ Pháp danh của vị Thượng Tọa nào). Các nhà sư đã tận tay trao số tiền cho đồng bào, mỗi suất hai trăm ngàn đồng. Nhiều gia đình trong xã đã được chùa Giác Minh cứu trợ. Con dâu ông, trên đường về nhà đã bị người của chính quyền xã chặn lại, số tiền bị cướp trắng. Chị giải thích rằng đây là tiền của các nhà sư cho chị, không phải tiền “chính sách” hay của chính quyền. Nói thế nào cũng không được. Đau nhất là ông Nhiễm. Các nhà sư tin tưởng, nhờ ông chuyển giúp phần quà cho một số gia đình khác. Ngay tối hôm đó, chính quyền xã cử người đến cướp toàn bộ số tiền với lý do “gom vào một mối để phát cho dễ, cho công bằng” . Ông không thể không đưa vì họ nhân danh chính quyền. Nhiều người khác cũng bị tương tự. Không ai được trả lại xu nào dù đó là tiền cứu trợ nhân đạo. Chưa hết, hơn hai tháng sau, ông Nhiểm nhận được một lá thư, ngoài bì thư ghi tên người gửi là Đoàn từ thiện chùa Giác Minh, Tân Vạn – Biên Hoà. Trong đó có một tấm vé số trúng giải, trị giá giải thưởng là hai mươi nhăm triệu đồng (một số tiền rất lớn), và ghi rõ là tặng riêng cho ông. Ông Nhiễm sung sướng mang tấm vé số đi lĩnh giải. Người ta trả lời ông: “đã quá thời hạn lĩnh giải” và còn trách ông “sao bây giờ bác mới đến lĩnh”?. Ông Nhiễm khẳng định với chúng tôi: “Tôi tin ai đó đã bóc thư ra xem và cố tình giữ lại, không đưa ngay cho tôi”. Không biết cảm giác của ông lúc trở về nhà, trên tay cầm tấm vé số trúng giải vô giá trị như thế nào? Ai được hưởng toàn bộ số tiền cướp được của ông Nhiễm và những người dân khốn khổ cần phải được cứu sống? Đoàn từ thiện chùa Giác Minh có biết việc này?
Qua các nhân vật được tiếp xúc, chúng tôi biết người nung nấu đưa vụ việc ra ánh sáng công luận chính là ông Kính. Ông là người biết rõ chủ trương “hoà nhập, hoà đồng, vươn ra biển lớn” của chính phủ. Ông nói hoà nhập vào thế giới văn minh không chỉ về kinh tế mà còn về nhiều vấn đề khác. Vụ việc thuyền đánh cá của ngư dân Thanh hoá bị tàu chiến Trung Quốc tấn công, ngư phủ Thanh hoá bị giết hại là vi phạm luật pháp quốc tế. Ông có dự định vận động các nạn nhân còn sống sót và thân nhân các nạn nhân đã chết làm đơn tập thể gửi đến đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu phải làm rõ và phải có trách nhiệm đối với các nạn nhân. Ông hy vọng báo chí vào cuộc. Ra Hà Nội, ông tìm gặp đại diện báo Tuổi Trẻ. Tiếp ông là một ký giả có cái tên rất gợi: Hoà Đồng. Phải rồi! Đúng như ông nghĩ: muốn giải quyết vụ việc hãy hoà đồng với nhân loại về phương diện truyền thông trước đã. Nhưng ông sững sờ khi ký giả Hoà Đồng khuyên ông dẹp bỏ vụ việc, đào sâu chôn chặt vụ việc, theo đuổi chỉ bất lợi cho cá nhân ông và không giải quyết được vấn đề gì! Thật buồn cho truyền thông Việt Nam!
Cho đến bây giờ, khi tiếp xúc với chúng tôi, ông Kính vẫn nung nấu dự định cũ. Khi chúng tôi đề cập đến đề tài này thì nhận thấy những nét lo sợ xuất hiện trên gương mặt của thân nhân các nạn nhân. Nhưng không phải chỉ nạn nhân và thân nhân của những nạn nhân lo sợ mà những người không liên đới cũng lo sợ. Họ đang nằm trong một hàng dô-mi-nô lo sợ. Người dân sợ chính quyền cơ sở, chính quyền cơ sở sợ chính quyền trung ương, chính quyền trung ương sợ chính quyền thiên triều bởi 8 chữ vàng: “ Láng giềng, hữu nghị…”
*
Lẽ ra, chúng tôi còn tiếp tục tìm gặp các nhân chứng, các gia đình nạn nhân còn lại. Nhưng chuyến đi buộc phải kết thúc. Có tin báo công an đang lùng sục chúng tôi. Trưa hôm đó, hai người chúng tôi bí mật rời khỏi Thanh Hoá. Bao nhiêu nỗi uất ức, mệt mỏi dồn nén từ hôm trước được dịp bung ra. Suốt chặng đường về, không ai nói với ai lời nào. Tôi biết người bạn đồng hành cũng đang nghĩ về chuyến đi vừa qua như tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên 24 giờ vào một ngay đầu tháng 3 năm 2008 ở đây.
Có thể nào một ngày nào đó, trên vùng biển Việt Nam sẽ vắng bóng những con thuyền đánh cá Việt Nam. Không chỉ là nỗi lo cầm chắc thua lỗ vì giá xăng dầu phi mã, mà còn là nỗi lo cho chính mạng sống của ngư phủ khi ra biển. Cùng thời gian với chúng tôi đi Thanh Hoá, báo An ninh thế giới (một tờ báo chuyên xuyên tạc, bôi đen các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền Việt Nam) đã phải thừa nhận sự thực là Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải Việt Nam. Bài báo cũng liệt kê các vụ hải quân Trung Quốc bắt cóc đòi tiền chuộc, giết ngư phủ Việt Nam, và khẳng định các ngư phủ Việt Nam không hề xâm phạm lãnh hải Trung Quốc. Nhưng để biện hộ cho bản chất nhu nhược của chính quyền cộng sản VN, bài báo trích lời của một nhân viên an ninh cấp tỉnh: “Chúng tôi đã cố làm hết sức mình để bảo vệ các ngư dân, nhưng vì biển cả mênh mông quá, không có cách nào can thiệp, giúp đỡ được!”
Xót xa thay! Biển cả mênh mông, hay trách nhiệm đối với sinh mệnh công dân bị coi nhẹ?
Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã gây nợ xương máu với người Việt Nam!
Cùng với việc để mất Hoàng Sa, mất nhiều đảo ở Trường Sa, mất hàng vạn cây số vuông ở biên giới phía Bắc, ở vịnh Bắc bộ, mất sinh mạng của con dân trên biển, chính quyền cộng sản Việt Nam nợ nhân dân Việt Nam lòng ái quốc!
Tháng 3 năm 2008
© Phạm Thanh Nghiên
Danh sách những ngư dân bị tàu Trung Quốc bắn chết:
1) Nguyễn Văn Tùng, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa
2) Lê Văn Xuyên, thuyền trưởng, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa
3) Nguyễn Xuân Trọng, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa
4) Nguyễn Hữu Biên, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa
5) Đinh Văn Đông, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa
6) Trung (chưa xác định được họ) xã Hòa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa
7) Hồng (chưa xác định được họ) xã Hòa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa
8) Dũng (chưa xác định được họ), chưa xác định được xã, huyện, chỉ biết là người Thanh Hóa
9) Nguyễn Văn Tâm, xã Hòa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa
Cô Phạm Thanh Nghiên bị công an hành hung ngày 4 tháng 7, 2008
No comments:
Post a Comment